Kim Jong Nam, con trai cả của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il, từng được cất nhắc vào vị trí quan trọng trong chính quyền cho đến khi ông vướng vào bê bối và bị thất sủng.
Ngày 14/2, sau hơn 10 năm sống lưu vong, Kim Jong Nam, 45 tuổi, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, chết tại Malaysia. Giới chức Malaysia đã xác nhận vụ việc này trong khi Triều Tiên chưa đưa ra bình luận nào.
Kim Jong Nam là người kín tiếng nhưng sự qua đời bất ngờ của ông đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Đứa con ‘bí mật’
Kim Jong Nam sinh ở Bình Nhưỡng tháng 5/1971, là con của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il với bà Song Hye Rim, một diễn viên gốc Hàn Quốc.
Bà là con một trí thức miền Nam di cư tới miền Bắc trong chiến tranh Triều Tiên.
Jong Nam ra đời khi mẹ ông mắc nhiều chứng bệnh về thể chất, tinh thần và phải ra nước ngoài để chữa trị. Ông được bà ngoại và dì ruột, Song Hye Rang, chăm sóc. Jong Nam lớn lên trong bí mật nhưng cuối cùng cũng gặp gỡ và xây dựng mối quan hệ với ông nội mình là lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung).
Thời hoàng kim của ‘Vị tướng nhỏ’
Theo AFP, Kim Jong Nam nổi tiếng là người đam mê máy tính. Ông nói thông thạo tiếng Nhật, từng theo học Đại học Kim Nhật Thành, học ở Nga và Thụy Sĩ rồi trở về Bình Nhưỡng sau khi hoàn thành chương trình học ở nước ngoài.
Trong 4 người con của cố lãnh đạo Kim Jong Il, Kim Jong Nam là con trai cả, từng được gọi là “Vị tướng nhỏ”. Ông phục vụ trong Quân đội Nhân dân Triều Tiên đến năm 1998. Thời hoàng kim, Kim Jong Nam được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong Bộ Công an, dấu hiệu cho thấy ông sẽ trở thành một lãnh tụ tương lai.
Ông cũng được giao nhiệm vụ giám sát và phát triển công nghệ thông tin của Triều Tiên. Hồi tháng 1/ 2001, ông từng tháp tùng cha trong một chuyến công tác đến Thượng Hải và nói chuyện với các quan chức công nghệ thông tin của Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, người cô ruột của Kim Jong Nam cho hay ông có tính cách giống cha: “Nóng tính, nhạy cảm và có năng khiếu nghệ thuật”. Ông từng viết kịch bản cho nhiều bộ phim ngắn khi còn trẻ.
Tuy nhiên, theo lời người cô, Jong Nam “không có khao khát kế nghiệp cha mình”. Kim Han Sol, con trai của Kim Jong Nam, cũng từng nói về điều này.
“Cha tôi chắc chắn không thực sự quan tâm đến chính trị”, Kim Han Sol cho biết trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 2012 ở Bosnia, nơi cậu đang du học khi đó.
Sai lầm dẫn đến sự thất sủng
Người con cả của cố lãnh đạo Kim Jong Il mắc một sai lầm lớn năm 2001 khi tìm cách vào Nhật Bản bằng hộ chiếu giả. Kim Jong Nam bị bắt tại Sân bay Quốc tế Narita ở Tokyo với hai phụ nữ và một bé trai 4 tuổi được xác định là con trai ông. Sau đó, ông bị giam 3 ngày.
Theo Telegraph, Jong Nam nói với các quan chức nhập cư rằng ông làm vậy để thăm Disneyland Tokyo. Tuy nhiên, trong cuốn sách “Dưới sự chăm sóc yêu thương của người cha lãnh đạo”, tác giả Bradley Martin nói Jong Nam đã tới Nhật nhiều lần trước đó.
Vụ bê bối này khiến con trai cả của ông Kim Jong Il bị thất sủng. Trước đó có tin ông Kim Jong Il muốn chọn Jong Nam làm người kế vị.
Sau khi em trai Kim Jong un trở thành lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2011, Kim Jong Nam rời quê hương, đồng thời không nắm giữ bất kỳ chức vụ nào trong bộ máy chính quyền Bình Nhưỡng.
Trong những năm ở nước ngoài, ông chủ yếu sống ở Macau (Trung Quốc) Singapore và Malaysia.
Ngụy An (Tổng hợp)